Ngày 29/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg về nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện lập quy hoạch này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Văn hóa và Thể thao được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng và là động lực của kinh tế xã hội. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan tới lĩnh vực văn hóa và thể thao, đặc biệt là định hướng phát triển văn hóa và thể thao cấp quốc gia. Sau 10 năm triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua đó đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Các chiến lược, quy hoạch, phát triển văn hóa và thể thao sau khi được ban hành, triển khai thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Phần lớn các quy hoạch triển khai có thời gian hoàn thành đến năm 2020, một số nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao tuy được xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải được thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới.
Tại Hội thảo lần này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cho các nội dung cơ bản của “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045”. Qua đó, nhằm bổ sung, hoàn thiện những định hướng, giải pháp cơ bản nhằm tạo sự đột phát cho sự phát triển văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chiến lược của ngành; đồng thời làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.
Báo cáo tóm tắt nội dung “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021-2030, tầm nhìn 2045”, ông Nguyễn Tiến Sĩ - đại diện đơn vị liên danh tư vấn - đã cung cấp cho các đại biểu dự Hội thảo bức tranh toàn cảnh về mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia có 5 đối tượng được lập quy hoạch đó là: Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; Trung tâm hoạt động thể thao; Cơ sở dịch vụ thể thao, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; Cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục thể thao; Trụ sở cơ quan thể dục thể thao. Quy hoạch cũng nêu rõ hiện trạng phát triển của mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục thể thao; mạng lưới cơ sở dịch vụ chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng; trụ sở cơ quan thể thao được đánh giá dựa trên các tiêu chí kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều vấn đề quan trọng. Ông Lê Văn Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch Đầu tư cung cấp thông tin tổng quan về các bước lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục 1 Luật Quy hoạch. Quy trình lập được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quy hoạch, gồm 4 bước. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thụy cũng thông tin về tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao.

Trong tham luận về phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa thể thao TP.HCM để trở thành trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam nhấn mạnh, TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao. Theo ông Nam, TP.HCM hiện có trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức. Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của Thành phố. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…), trong đó nổi bật là mô hình kết hợp hoạt động thể dục thể thao với các loại hình văn hóa xã hội. Hệ thống rạp chiếu phim hiện đại do các công ty liên doanh đầu tư càng ngày càng phát triển. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng nhiều quảng trường, góp phần chỉnh trang cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo điều kiện cho du khách đến tham quan thành phố… Trong quy hoạch, Thành phố luôn chú trọng gìn giữ, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, thành phố có 185 công trình có quyết định xếp hạng di tích.
Trong giai đoạn đầu tư trung hạn 2021-2025, Thành phố đã có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng trên 30 công trình văn hóa và thể thao; Sở Văn hóa và Thể thao đang đề xuất bổ sung vốn trung hạn để triển khai công tác lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với 40 công trình, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố cũng như các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn TP.HCM là 2.826 ha (đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất của thành phố). Tuy quỹ đất còn hạn chế nhưng để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030, TP.HCM tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm. TP.HCM phấn đấu trở thành Thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án phát triển văn hóa và thể thao, qua đó nghiên cứu, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, quỹ đất quy hoạch đầu tư, nhu cầu sử dụng và định hướng phát triển; từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình, thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Trong 1 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã tham luận những vấn đề như: Đánh giá thực trạng, xu hướng và các cơ hội phát triển của mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia; Đánh giá liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục thể thao quốc gia; Thảo luận, trao đổi các giải pháp về thực hiện quy hoạch, đầu tư, phương án phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao trong giai đoạn tới. Đóng góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045"…